Xác định là nhiệm vụ quan trọng
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, hiện nay, toàn tỉnh có 132.466 hộ gia đình, chiếm 38,06% tổng số dân ở 154/161 xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Trong đó, hai huyện có số hộ thực hiện phân loại, xử lý rác tại nguồn nhiều nhất là huyện Kim Động với 26.405 hộ, chiếm 67,34% số hộ toàn huyện; huyện Phù Cừ với 15.398 hộ, chiếm 66,17% số hộ toàn huyện.
Ông Trần Đăng Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, cho biết: "Năm 2012, tỉnh Hưng Yên triển khai thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại 100 hộ gia đình ở thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường, huyện Kim Động bằng hình thức dùng thùng nhựa có nắp đậy. Tiếp đó, năm 2013, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 300 hộ gia đình tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động xử lý rác hữu cơ bằng hình thức đào hố có nắp đậy."
Từ kết quả thực hiện mô hình, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh triển khai nhân rộng phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên ra quyết định thành lập tổ công tác để kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ gia đình thực hiện phân loại, xử lý rác thải hàng tháng.
Ông Nguyễn Đăng Khôi, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cừ, cho biết thêm: "Trước đây, các hộ gia đình có tâm lý đã nộp tiền phí thu gom rác thải hàng tháng rồi thì cứ mang tất cả các loại rác thải ra khu vực tập kết, gây tình trạng ùn ứ, ô nhiễm môi trường. Nhưng bây giờ, đại đa số người dân đã ý thức, việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ đã trở thành việc làm thường xuyên hàng ngày của các hộ gia đình trên địa bàn huyện."
Để việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trở thành phong trào sâu rộng, thường xuyên, liên tục, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phù Cừ đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, triển khai kế hoạch giao chỉ tiêu cho các ngành, đoàn thể, các thôn, xóm tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện, tham gia các hoạt động giữ vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan "Sáng – xanh – sạch – đẹp".
Đồng thời, đưa việc thực hiện chỉ tiêu vào đánh giá thi đua, khen thưởng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các xã, thị trấn hàng năm. Biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện.
Giai đoạn từ năm 2017-2020, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 517 lớp tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt cho gần 58.000 lượt cán bộ và nhân dân; phát trên 35.500 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Từ 2016 đến nay, UBND tỉnh Hưng Yên cũng đã phân bổ 60 tỷ 920 triệu đồng kinh phí từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Hỗ trợ các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh 8 tỷ 880 triệu đồng thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động nhân dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Các địa phương, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã triển khai, nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, có nhiều mô hình hay, các làm mới về việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên được triển khai như: Mô hình "Ngâm ủ rác hữu cơ thành chế phẩm EM để sản xuất nước rửa bán, nước lau nhà"; 164 mô hình phế liệu sạch với phương thức hoạt động là các hộ tự thu gom, phân loại phế liệu bìa carton, vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn… bán lấy tiền hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em nghèo và tổ chức các hoạt động ở chi hội.
Huyện Phù Cừ vận động nhân dân tự đào hố, tận dụng vật liệu sẵn có để che đậy hố xử lý rác hữu cơ. Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang phân loại rác tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ tập trung. Người dân ở một số địa phương khác thì sử dụng thùng nhựa 20 lít để phân loại, xử lý rác thải hữu cơ…
Mặc dù việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đã được triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh, nhưng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên Nguyễn Văn Phú, tỉnh Hưng Yên vẫn chú trọng khu vực nông thôn. Bởi vì, nhiều gia đình có đất vườn rộng, có thể xử lý rác thải hữu cơ ngay trong vườn để biến rác thải thành phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trong quá trình triển khai, việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn thành công hay không cũng phụ thuộc rất lớn vào ý thức, nhận thức và hành động của các hộ gia đình. Chính các tầng lớp nhân dân phải nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường, thực hiện thường xuyên và duy trì lâu dài việc phân loại, xử lý rác thải. Cùng với đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng phải gương mẫu, tích cực phân loại rác thải tại nguồn theo hình thức ở nơi xã, thị trấn đang sinh sống.
Chính quyền các cấp, nhất là những cán bộ được giao nhiệm vụ phải là người say mê, nhiệt tình với công tác bảo vệ môi trường, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đến từng hộ dân, thôn xóm, cùng đồng hành với người dân trong việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tiếp tục rà soát hiện trạng sử dụng đất ở, đất vườn của các hộ gia đình trên địa bàn để có kế hoạch triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình phù hợp với từng trường hợp. Ưu tiên các hộ gia đình xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp đào hố, sử dụng chế phẩm vi sinh. Đối với các hộ không có đất vườn thì xử lý rác thải bằng thùng nhựa.
Khuyến khích, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung có công nghệ hiện đại, giảm thiểu chôn lấp rác thải.
Giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn về số hộ triển khai thực hiện. Xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với UBND cấp xã khi để xảy ra tình trạng hộ gia đình không sử dụng, sử dụng sai mục đích, làm mất, làm hỏng các dụng cụ được hỗ trợ và không thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn.
Đưa kết quả thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình để xem xét, công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Làng văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", thẩm định, đánh giá nông thôn mới.