CHÀO MỪNG NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA 10/10/2024

Trang chủ/ Lịch sử - Văn hóa

  15/11/2022     |  Lượt xem 275   

Di tích lịch sử Đền Cảm Nhân Linh Từ xã Nhật Quang, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên

Đền Cảm Nhân Linh Từ nằm trên địa bàn thôn Tân An, xã Nhật Quang. Đền thờ Nguyên phi Ỷ lan Hoàng thái hậu.

 ​Sử cũ chép rằng, Ỷ lan tên thật là Lê Thị Khiết, còn có tên là Lê Thị Yến, sinh ngày 7/3 năm giáp thân (1044), tại hương Thổ Lỗi ( thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), nay thuộc khu vực Làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Lúc bà lên 12 tuổi thì mẹ mất, bố lấy vợ kế nhưng ít lâu sau cũng qua đời. Ỷ lan là một cô gái rất xinh đẹp và chăm làm. Bấy giờ vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối ngôi, bèn đi cầu tự khắp nơi. Mùa xuân năm 1063 vua đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Khi đi qua hương Thổ Lỗi ngài nhìn thấy có người con gái dựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo. Vua sai quân lính đưa cô đến để hỏi chuyện. Thấy cô gái bội phần xinh đẹp, dịu dàng lại thông minh vua liền truyền lệnh đưa về kinh thành Thăng Long. Phong  hiệu Nguyên phi Ỷ lan , Ỷ lan nghĩa là dựa vào cây lan. Năm 1066, Nguyên phi Ỷ lan sinh hạ hoàng tử Càn Đức (sau là vua Lý Nhân Tông). Ỷ lan không chỉ xinh đẹp mà còn là người tài cao và bản lĩnh. Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, thái tử Càn Đức lên ngôi khi mới 7 tuổi. Ỷ lan trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính, thi hành những biện pháp dựng nước, yên dân khiến cho thế nước và sức dân mạnh hẳn lên. Về già, Ỷ lan để tâm làm việc thiện, xây chùa và nghiên cứu về đạo phật. Nguyên phi Ỷ lan qua đời ngày 25/7 năm Đinh dậu (1117). Đền cảm nhân linh từ là một trong hơn 70 đền được nhân dân cả nước xây dựng sau khi Nguyên phi Ỷ lan mất để cảm ơn những ơn đức cao dày của bà.

Đền cảm nhân linh từ đã được vua ban tặng 6 sắc phong. Ngoài 6 sắc phong do nhà vua ban, Đền còn lưu giữ được 2 tấm văn bia cổ.

Trong thời kỳ kháng chiến, Đền không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân mà còn là cơ sở bí mật để họp bàn, triển khai nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang. Năm 2006 Đền đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hàng năm Lễ hội truyền thống tại Đền được diễn ra vào tháng 7 âm lịch ( từ ngày 22/7 đến  hết ngày 24/7 âm lịch). Lễ hội gồm có 2 phần, phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, các cá nhân, tổ chức, các dòng họ, các quý khách thập phương và nhân dân đến dâng hương, tế lễ. Ở Phần hội là những tiết mục văn hoá văn nghệ đặc sắc cùng với các trò chơi sôi nổi như bịt mắt bắt lợn, bắt chạch trong chum, nhảy bao bố, chuyền bột,…

 

 

 
Liên kết
Video Clip
Đánh giá người dùng
Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Thống kê truy cập
30 người đang online